• CÔNG TY CỔ PHẦN SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI TRÍ VIỆT

    Địa chỉ: Số 170-172, Đường số 5, KDC Nam Trung Tâm Hành Chánh, Phường 6, TP Tân An, tỉnh Long An

    Điện thoại: 02723 525 204

    Email: trivietcorp@gmail.com

    • Tư vấn kỹ thuật

      02723 525 204

    • Tư vấn bán hàng

      0908 385 824

    SÂU ĂN TẠP, BỌ XÍT, CON CÂU CẤU, BỌ CÁNH CỨNG & VÀI BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ.

    Tháng Mười Hai 2, 2020 Kỹ Thuật Quản Trị

    VÀI LOẠI CÔN TRÙNG GÂY HẠI CÂY TRỒNG.

    1.Sâu Ăn Tạp:

    Sâu nầy còn có tên gọi là sâu khoang (Spodoptera Litura) thuộc bộ Lepidoptera.
    Sâu có vòng đời trên dưới 30 ngày, sâu cắn phá lá, bông, trái rất dữ. Sau khi nở, mỗi ổ trứng có hàng trăm con, ở tuổi 1, tuổi 2 chúng sống thành đàn và cắn phá biểu bì làm lá bạc trắng, thủng lổ chỗ. Tuổi lớn hơn, chúng tách đàn và cắn phá dữ dội hầu hết các bộ phận trên cây. Ở tuổi 4, tuổi 5, sâu có thể chui xuống đất và chiều mát, ban đêm chúng sẽ bò lên cây cắn lá, cắn bông, cắn trái để ăn. Sức tàn phá của loại sâu nầy rất dữ dội, chúng lại là loài đa thực nên ăn đủ loại thực vật từ rau màu, cây ăn trái…, nói chung là cả cây hàng niên và đa niên.
    Vườn mít của bạn chúng tôi, chúng đã cắn phá dữ dội, ăn bông và trái non gây thiệt hại rất lớn.

    2. Bọ Xít Muỗi :

    Nó thuộc bộ Hemiptera . Đây cũng là loại chích hút trên rất nhiều loại cây trồng như cây hồ tiêu, cây điều, cây xoài , cây cam quýt….
    Bọ xít mà tôi nêu ở đây là trên cây mít vì chúng đang bùng phát rất mạnh, gây thiệt hại lớn cho hoa và nhất là trên trái non.
    Vòng đời của bọ xít muỗi khoảng hơn 30 ngày, trong đó con trưởng thành gây hại mạnh nhất khoảng 15 ngày.
    Loại bọ xít muỗi bụng có màu xanh là loài Helopeltis theivora đang phá hại trên mít rất dữ dội.
    Chúng rất nhanh, lẫn trốn khi có tiếng động, hoạt động mạnh nhất khi sáng sớm hoặc chiều mát hoặc lúc trời âm u.
    Chúng chích hút đọt non, lá non, bông và trái non. Các vết chích hút liền nhau tạo màu nâu đen, làm biến dạng và hư đọt, lá. Trên trái mít, chúng chích hút trái non làm xì mũ trắng, trái sượng, vỏ xấu xí và trái bị hư.
    Ngoài nước miếng của bọ xít muỗi rất độc, việc chích hút còn gây vết thương tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn xâm nhiễm trái mít dễ dàng hơn nhất là trong mùa mưa. Chúng tôi không dám khẳng định vì chưa làm thí nghiệm hoặc đọc tài liệu nào về mối tương quan thuận giữa bọ xít muỗi gây hại và bệnh xơ đen trên trái mít. Tuy vậy, rất có thể chúng liên quan chặt với nhau nhất là trong mùa mưa.

    3. Con bọ cánh cứng & con câu cấu :

    Cả hai loài nầy đều thuộc bộ Coleoptera, chúng có kích thước nhỏ 5-10mm. Màu sắc thay đổi tùy tuổi và loài, màu đen, nâu đen hoặc xanh.
    Chúng có quanh năm nhưng thời điểm sinh sản nhiều nhất là đầu mùa mưa nhất là khi cây ra lá non sung tốt, nguồn thức ăn cho chúng dồi dào.
    Trên cây có múi, các bạn hãy chú ý giai đoạn cây ra hoa, con bọ cánh cứng cắn phá làm hư bông rất nhiều nhất là cây cam và bưởi.

    VÀI LOẠI THUỐC PHÒNG TRỪ CÓ HIỆU QUẢ CAO.

    * Đối với thuốc hóa học, có loại hoạt chất phòng trừ được cả côn trùng miệng nhai, lẫn miệng chích hút hoặc chỉ chuyên biệt cho từng loại. Trong bài viết nầy, chúng tôi chỉ nêu lên một ít loại đã sử dụng cho kết quả tốt trong hàng trăm loại hoạt chất có mặt trên thị trường mà tôi chưa xử dụng tới.
    * Đối với loại thuốc mang tính sinh học như dùng nấm xanh, chúng tôi rất ưa chuộng và đặt nặng hướng nầy trong canh tác vì chúng tôi nhận thấy hiệu quả rất cao để phòng trị nhiều loài côn trùng. Nấm xanh, nấm trắng không độc hại như thuốc hóa học lại có tác dụng lâu dài.
    * Trong những lần đầu nhất là khi mật số côn trùng gây hại cao, các bạn nên kết hợp giữa nấm xanh và thuốc hóa học, những lần tiếp theo, chỉ cần xử dụng nấm xanh mà thôi vẫn khống chế tốt mật số côn trùng gây hại.
    * Vài hoạt chất (a.i : active ingredient) của các loại thuốc trừ côn trùng sau đây được dùng để các bạn tham khảo :
    1. Lambda – Cyhalothrin (Karate2.5EC, Fast Kill 2.5EC …. )
    Thuốc cổ điển, thuộc nhóm cúc Pyrethroid. Thuốc dạng tiếp xúc, vị độc và xua đuổi. Dù không phải là thuốc đặc hiệu để trừ sâu, rầy, bọ xít, nhưng thuốc có khả năng diệt bướm và xua đuổi côn trùng rất tốt. Nếu thuốc nầy được phối hợp với nhóm lân hữu cơ, hoặc nhóm carbamate hoặc thuốc sinh học như nấm xanh thì hiệu quả phòng trừ côn trùng khá cao.
    Nồng độ sử dụng là 0,15% (1,5ml/lít nước)
    2. Chlopyriphos Ethyl + Cypermethrin (Dragon 585EC : Chlopyriphos 53% + Cypermethrin 5.5%)
    Thuốc là hổn hợp của nhóm lân hữu cơ và nhóm cúc, thuốc có tính vị độc, tiếp xúc và xông hơi. Hiệu quả để trừ sâu, nhóm bọ cánh cứng, bọ xít ….cho hiệu quả cao.
    Nồng độ phun xịt : 0,25%(2,5ml/lít nước)
    3. Alpha- Cypermethrin(Fastac 5EC) :
    Thuốc thuộc nhóm cúc Pyrethroid, phòng trừ sâu, rầy, rệp, bọ xít…, nồng độ sử dụng 0,1%(1ml/lít nước).
    Nên phối hợp Alpha – Cypermethrin với thuốc gốc carbamate hoặc gốc lân hữu cơ hoặc nấm xanh.
    4. Cartap (Padan 95SP).
    Thuốc thuộc nhóm Carbamate, có tính tiếp xúc, vị độc và lưu dẫn. Thuốc có hiệu quả cao trên sâu, rầy, rệp, bọ xít, bọ cánh cứng.
    Nồng độ xử dụng 0,2%(2gram/lít nước).
    Nên phối hợp với nhóm Pyrethroid hoặc nấm xanh.
    5. Chlorfluazuron (Atabron 5EC)
    Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc làm sâu không lột xác được. Thuốc còn làm hạn chế việc hình thành trứng và làm trứng không nở được, thuốc cũng làm ngưng sự phát triển của nhộng nên không vũ hóa được.
    Hiệu quả phòng trừ sâu theo kinh nghiệm của chúng tôi là rất tốt dù là thuốc cổ điển.
    Nồng độ sử dụng 0,1% (1ml/lít nước)
    Nên phối hợp thêm với nhóm Pyrethroid hoặc Nấm Xanh.
    6. Metarhizium anisopliae (Nấm Xanh – TV)
    Là loại thuốc sinh học, có tác dụng phòng trừ hữu hiệu đối với bọ xít, nhóm bọ cánh cứng, rệp sáp, sâu và rầy.
    Thuốc sẽ hiệu quả cao trên ruộng vườn khi có các loại côn trùng xuất hiện.
    Trong Nấm Xanh – Trí Việt đặc biệt còn có chứa hợp chất hữu cơ cao phân tử HS nên ngoài việc phòng trị côn trùng gây hại, chế phẩm nầy khi phun xịt lên cây sẽ giúp cho cây phát triển tốt, lá xanh, dầy, trái to và chất lượng trái tốt hơn hẳn.
    Nồng độ phun xịt : 0,1%(1gram/lít)
    Hai hình ảnh kèm theo cho thấy sâu và con câu cấu bị nhiễm nấm xanh mà chết. Hình ảnh con sâu khoang bị chết là sau khi phun xịt nấm xanh 2 ngày.
    7. Phân bón lá Trí Việt 3 & Trí Việt 9.
    Để giúp cây phát triển tốt, trái to, ngon ngọt và cũng để đỡ tốn công phun xịt, mỗi khi phun thuốc phòng trừ côn trùng gây hại, các bạn nên kết hợp thêm với 1 trong 2 loại trên hoặc bất cứ loại phân bón lá nào khác có chất lượng đàng hoàng như Roots2 của Mỹ hoặc BioKing của Úc.
    Riêng với phân bón lá Trí Việt 3 hoặc Trí Việt 9, các bạn phun xịt với nồng độ 0,2%(2ml/lít nước).

    MỘT SỐ CÔNG THỨC PHỐI HỢP THUỐC PHÒNG TRỪ CÁC LOẠI CÔN TRÙNG NÊU TRÊN.

    Do cùng lúc có thể phòng trừ nhiều loại côn trùng, nên, chúng tôi thường phối hợp vài loại thuốc với nhau, mời các bạn tham khảo.
    1. Hổn hợp 1.
    Mỗi lít nước gồm :
    – Fastac = 1ml.
    – Atabron = 1ml.
    – Nấm Xanh TV = 1 gram.
    – Phân bón lá TV3 hoặc TV9 hoặc Roots2 hoặc BioKing = 2ml.
    2. Hổn hợp 2, mỗi lít nước gồm :
    – Dragon = 2ml.
    – Nấm Xanh TV = 1gram.
    – TV3 hoặc TV9 = 2ml.
    3. Hổn hợp 3, mỗi lít nước gồm:
    – Nấm Xanh TV = 1gram.
    – Padan = 2gram.
    – Karate = 1,5ml.
    – TV3 hoặc TV9 = 2ml.
    * Trên đây là 3 công thức phối hợp thuốc mà chúng tôi thường dùng để luân phiên khi phun xịt.
    * Chú ý phun đều khắp tán cây thì hiệu quả xử dụng phân thuốc mới cao.
    * Khi phun chú ý vặn béc sao cho hạt nước chứa thuốc thật mịn.
    * Khi trái đang ra hoa, thụ phấn không được phun trực tiếp vào hoa trái.
    * Côn trùng thường cắn phá khi trời chưa nắng, nên cần phun xịt sớm đặc biệt là buổi chiều trời mát.
    Tháng 11/2020.
    Bộ Phận Kỹ Thuật, Cty Phân Bón Trí Việt.

    Bài viết liên quan

  • PHÒNG TRỊ BỆNH XÌ MỦ & THỐI CUỐN, THỐI TRÁI TRÊN MÍT THÁI
  • BỆNH XÌ MỦ TRÊN MÍT THÁI SIÊU SỚM (PHẦN 2)
  • BÓN PHÂN CHO NHÃN THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT NĂNG SUẤT CAO?
  • BỆNH XÌ MỦ TRÊN MÍT THÁI SIÊU SỚM (PHẦN 1)
  • PHẦN 3: HỢP CHẤT HS VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CHÚNG ĐẾN SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÂY TRỒNG